Ý nghĩa lịch sử hành trình tìm đường cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc
LÊ THỊ NHUẤN - LÊ MINH KHÔI
Sự nghiệp giải phóng dân tộc từ những năm 20 của thế kỷ XX gắn liền với tên tuổi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, chấm dứt thời kỳ dài hơn nửa thế kỷ khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước của nhiều thế hệ yêu nước trước đó. Một vấn đề đặt ra là con đường nào đã dẫn Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và phát hiện con đường đó để cứu dân cứu nước? Tại sao những người cùng thời với Người cũng tha thiết sự nghiệp giải phóng dân tộc, thậm chí họ còn tiếp xúc với Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của C.Mác và F.Ăngghen trước Nguyễn Ái Quốc, song không phát hiện ra điều đó? Rõ ràng, Nguyễn Ái Quốc phải có quá trình khảo sát lâu dài và gian khổ trong thực tiễn mới có thể đến được với chân lý của thời đại và nhận thức một cách sâu sắc.
Hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước mất nhà tan, gia đình là nhà nho nghèo yêu nước và trên quê hương giàu truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm; ngay từ thuở thiếu thời, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sớm ấp ủ trong lòng “ý chí diệt thù cứu nước”. Khi đang học ở Trường Pháp - Việt Đông Ba, Người đã rất chú ý đến dòng chữ République Francais Liberté - Egalité - Fratenité và nảy sinh ý định muốn tìm hiểu đằng sau những chữ ấy thực chất là gì. Ngày 3/6/1911 với tên gọi Nguyễn Văn Ba, Người xuống tàu Amiral La Touche Tréville xin làm phụ bếp. Ngày 5/6/1911 Người bắt đầu hành trình qua các đại dương. Chính cuộc khảo sát khắp các bóng cờ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi đã đem lại cho Người một tầm nhìn đại dương. Người nhận ra, ở Pháp cũng có người giàu, người nghèo, kẻ xấu, người tốt… Nhìn chung, những người Pháp ở chính quốc lịch sự, tử tế hơn nhiều so với bọn thực dân Pháp ở Đông Dương: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo… Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu” (Dẫn theo William J. Duiker, 2000 tr.67). Người đã tự đặt câu hỏi khi lần đầu tiếp xúc với “mẫu quốc”, tại sao người Pháp lại không khai hóa cho đồng bào họ trước khi đi khai hóa cho người khác. Từ cuộc hành trình qua các châu lục đã cho phép Người rút ra một thu hoạch quan trọng - mặc dù màu da và tiếng nói khác nhau, nhưng ở trên đời này chỉ có hai loại người: Một bên là bọn đi áp bức bóc lột, một bên là những người bị áp bức, bị bóc lột.
Kết thúc cuộc hành trình qua các đại dương, Người dừng lại tại Luân Đôn (nước Anh) một thời gian. Khi Thế chiến I sắp kết thúc, Người từ Luân Đôn về Paris[1], Người nhanh chóng hòa nhập vào phong trào công nhân Paris. Ngày 18/6/1919, nhân các nước Đồng Minh thắng trận trong Thế chiến I tổ chức hội nghị tại Versailles để thương lượng hòa bình với các lực lượng bại trận và đưa ra các nguyên tắc điều phối quan hệ quốc tế sau chiến tranh, Người đã gửi đến hội nghị nói trên Bản yêu sách của Nhân dân An Nam, ký tên Nguyễn Ái Quốc: “Bản yêu sách yêu cầu các nước đế quốc phải thực hiện quyền độc lập chính trị cho người Việt Nam, quyền tự do dân chủ cơ bản như quyền lập hội, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí, tự do đi lại, ân xá cho các tù nhân chính trị, bình đẳng giữa người Việt Nam và người Pháp ở Việt Nam, bãi bỏ chế độ lao dịch, các loại thuế cao…” (William J. Duiker, 2000, tr.79). Những yêu cầu chính đáng đó không được những tên trùm thực dân chấp nhận, song Nguyễn Ái Quốc[2] trở thành cái tên gây chú ý mạnh mẽ của báo chí cũng như chính quyền Pháp và có tác dụng cổ vũ những người yêu nước Việt Nam tại Pháp. Chính điều này đã củng cố thêm ở nhà ái quốc trẻ tuổi một bài học lớn là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc phải đem sức ta giải phóng cho ta chứ không thể trông chờ ở sự từ tâm của kẻ cướp nước.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của Lênin, Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo L’Humanité - cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp lúc đó. Luận cương của Lênin đã giải đáp cho Nguyễn Ái Quốc - sự cần thiết phải kết hợp sự nghiệp cách mạng vô sản với sự nghiệp giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới (Trần Đình Huỳnh, 2001, tr.22). Từ sau khi tiếp thu được ở Luận cương của Lênin về con đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã ngả hẳn về phía Đệ tam Quốc tế. Ngày 29/12/1920, tại Đại hội Tour, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III và trở thành một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp. Từ giây phút ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành người Cộng sản, đồng thời cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam (Trần Đình Huỳnh, 2001, tr.24).
Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam
Năm 1921, được sự giúp đỡ của các đồng chí Cộng sản Pháp cùng với một số nhà cách mạng ở châu Phi như Marốc, Tuy-ni-di, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra l’Union intercoloniale (Hội Liên hiệp thuộc địa). Phương thức của Hội là tuyên truyền, giác ngộ Nhân dân các nước thuộc địa và quần chúng lao động ở các nước chính quốc phải sát cánh bên nhau chống kẻ thù chung là giai cấp tư sản. Năm 1922, Hội đã ra tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) mà Nguyễn Ái Quốc là trụ cột của tờ báo. Mục đích của báo là vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào các nước thuộc địa. Báo Người cùng khổ ra được 38 số, sau đó bị chính quyền Pháp đóng cửa, nhưng nó đã kịp thời truyền bá tư tưởng cách mạng vào đông đảo quần chúng lao động ở Pháp cũng như các nước thuộc địa. Ngoài ra, qua tay các thủy thủ, Báo Người cùng khổ cũng đã được bí mật chuyển về Việt Nam và đã thổi vào Việt Nam một luồng gió mới trong phong trào dân tộc, làm cho nó nhanh chóng chuyển mình theo kịp xu thế cách mạng của thời đại (Nguyễn Quang Ngọc, 2002, tr.257). Khi Khải Định sang Pháp, Người viết vở kịch “Con rồng tre” hướng đòn đả kích vào Khải Định nhân chuyến đi Pháp của ông vua này (Nguyễn Quang Ngọc, 2002, tr.256). Cũng trong thời gian này, Người đã dành phần lớn tâm huyết để hoàn thành bản thảo Bản án chế độ thực dân Pháp. Đó là bản cáo trạng đanh thép về những tội ác mà thực dân Pháp đã gây ra đối với Nhân dân các nước thuộc địa; đồng thời cũng chỉ ra cho Nhân dân các nước thuộc địa con đường đoàn kết đấu tranh dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Năm 1923, với tư cách là đại diện cho Nhân dân các nước thuộc địa và là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc rời Paris sang Matxcơva và tham dự các hội nghị quốc tế quan trọng như Quốc tế Nông dân, Công hội, Thanh niên, Phụ nữ và đặc biệt là Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội này, Người đã đọc bản tham luận “về vấn đề dân tộc thuộc địa”. Sau các hội nghị và đại hội nói trên, Người tiếp tục ở lại Quốc tế Cộng sản làm việc một thời gian, dành nhiều thời gian nghiên cứu về chế độ Xô viết, kinh nghiệm xây dựng Đảng kiểu mới của Lênin, tiếp tục tuyên truyền tư tưởng của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa trên báo Sự thật. Có thể khẳng định, thời gian hoạt động ở Matxcơva là thời gian Nguyễn Ái Quốc hoàn thiện thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng của mình, cũng là thời kỳ phác thảo các nét lớn đường lối của cách mạng giải phóng dân tộc (Nguyễn Quang Ngọc, 2002, tr.256).
Ý nghĩa lịch sử hành trình tìm ra con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc
Vào giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, biến Việt Nam từ một nước phong kiến trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Người được chứng kiến các phong trào cứu nước của ông cha, Người nhận thấy con đường của Hoàng Hoa Thám tuy có phần thực tế hơn, nhưng vẫn mang nặng cốt cách phong kiến; con đường của Phan Bội Châu chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; con đường của Phan Chu Trinh cũng chẳng khác gì “xin giặc rủ lòng thương”… Tất cả các phong trào đấu tranh yêu nước đó đều bị thất bại vì chưa có một con đường cứu nước đúng đắn.
Ngày 5/6/1911, Người bắt đầu một cuộc hành trình lịch sử - đi tìm con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc. Trong khoảng 10 năm vượt qua các đại dương, đến với nhân loại cần lao đang đấu tranh ở nhiều châu lục và quốc gia trên thế giới, Người đã kết hợp tìm hiểu lý luận và khảo sát thực tiễn, nhất là ở các nước tư bản phát triển như Anh, Pháp, Mỹ. Cũng trong buổi đầu hoạt động cách mạng, Người nhận thấy, Cách mạng Tháng Mười Nga không chỉ là một cuộc cách mạng vô sản, mà còn là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ và cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng chủ nghĩa xã hội mới giành được thắng lợi hoàn toàn.
Kể từ sau thất bại của các cuộc vận động giải phóng dân tộc ở đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối lãnh đạo, thì một vầng ánh dương đã kịp thời xuất hiện - Nguyễn Ái Quốc với con đường giải phóng dân tộc theo lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính quá trình ra đi tìm đường cứu nước của Người đã phản ánh khát vọng thời đại và tìm ra con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, cho các dân tộc thuộc địa cũng như cổ vũ các dân tộc trên thế giới đấu tranh vì những mục tiêu cao cả giải phóng con người./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Đình Huỳnh (2001), Danh nhân Hồ Chí Minh cuộc đời và những sự kiện, Nxb Hà Nội.
- Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên) (2002), Tiến trình lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Ái Quốc: cái tên không có trong hồ sơ tư pháp (Nguồn http://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/nguyen-ai-quoc-cai-ten-khong-co-trong-ho-so-tu-phap.htm ngày 17/5/2020) (truy cập ngày 5/5/2021).
- William J. Duiker (2000), Ho Chi Minh, a life (Hồ Chí Minh, một cuộc đời) (Nguyễn Học, Lâm Hoàng Mạnh dịch), Nxb Hyperion, New York.
[1] Paris - Thủ đô của nước Pháp được coi như trung tâm chính trị, văn hóa của thế giới phương Tây lúc bấy giờ.
[2] Nguyễn Ái Quốc” được giải thích trong thư ngày 9/7/1919 của trưởng bộ phận phụ trách thư tín Đông Dương ở Marseille gửi Giám đốc phụ trách Đông Dương như sau: “Nguyễn Ái Quốc thực chất chỉ là một bí danh, với giải nghĩa Nguyễn là họ phổ biến của người An Nam, Ái có nghĩa là yêu và Quốc có nghĩa là Tổ quốc. Có thể hiểu là “Nguyễn yêu nước” (Dẫn theo Nguyễn Ái Quốc: Cái tên không có trong hồ sơ tư pháp Nguồn http://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/nguyen-ai-quoc-cai-ten-khong-co-trong-ho-so-tu-phap.htm ngày 17/5/2020) (truy cập ngày 5/5/2021).